Truyện ngắn Smartphone

TÌNH THÂN

Trời mưa rả rích, nằm nhà một mình ở đất Sài Gòn không biết làm gì bèn lôi mấy món đồ kỷ niệm ra để ngắm nghía...

... Này là mớ móc khóa kỉ niệm các chuyến du lịch, này là thiệp mừng sinh nhật các năm, này là lưu bút thời đại học, á…à..này là nhật ký năm cấp ba – đã mười năm rồi chứ ít ỏi gì…

Lật lại từng trang nhật ký, cảm xúc ùa về, nhớ biết bao nhiêu làng quê ấy, ngôi nhà thân yêu nơi tuổi thơ vùng vẫy với vô vàn kỉ niệm!! Bỗng lật đến trang bị nhòe lốm đốm, từng nét chữ run rẩy: 'Mình thật vô tâm, dạo này suốt ngày chỉ biết nghĩ cho bản thân, than thở về chuyện bản thân mà không quan tâm nhiều đến nó, đứa cháu bé bỏng tội nghiệp của mình. Sáng đi học nó đã than là khó chịu trong người nhưng mình cũng không để ý, trưa trưa về thì nó nói là bị trúng thực hay gì mà thấy mệt mệt, rồi còn ói nữa. Đã vậy mình lại la mắng là tại sao lại ói ra nhà như vậy.

Trưa đưa tiền để nó đi mua thuốc, bắt một đứa trẻ lớp 2 tự đi mua thuốc uống thật là một sự ác độc tàn nhẫn mà… vậy mà nó vô tư lắm, không buồn tủi hay gì cả, còn nhận tiền và cười tươi, rồi còn đứng lẩm bẩm chia xem tiền nào là tiền Sáu dặn mua thuốc, tiền nào là tiền để đóng học phí cho thầy. Rồi nó dắt xe ra, chạy đi học. Nó đi rồi mình mới bắt đầu nhận ra mình thật là tệ bạc, ích kỷ, vô tâm, ác độc và tàn nhẫn!! Nó đi rồi…đứa cháu mình yêu thương, chăm sóc, lo lắng đã cọc cạch đạp xe đi rồi. Sáu xin lỗi con nhiều lắm Nhím ơi! Chiều nay con về Sáu sẽ nấu cháu cho con ăn, mua thuốc cho con uống, con đừng buồn Sáu hen!...'.

Đọc tới đây thôi nước mắt lại nhòe đi, lại thêm vài giọt rơi vào trang nhật ký, cổ họng nghẹn đắng cảm xúc cứ như vẫn nguyên vẹn ngày ấy…Tự nghĩ không thể ngờ bản thân đã từng tệ đến như vậy với đứa cháu thương yêu được anh chị gửi gắm ở quê ngày còn nhỏ.

Bỗng có tiếng mở cửa vào nhà, chắc thằng cháu đi học thêm về. Quẹt vội dòng nước mắt, nuốt nhẹ để chắc rằng giọng nói không có gì bất thường rồi cất tiếng hỏi: 'Nhím về hả, có bị ướt mưa nhiều không? Vô thay đồ đi rồi ăn cơm luôn hen'. Ngoài cửa cũng có tiếng trả lời, giọng nói ngoan ngoãn quen thuộc. Cất vội hộp đồ kỉ niệm, chạy xuống nhà để chuẩn bị bữa cơm trong thời tiết lành lạnh và rả rít cơn mưa.

Tác giả: Nguyễn Minh Thư
 
NHỚ LẮM NGOẠI ƠI

Thế rồi, ít lâu sau ngoại cô mất. Cô ngỡ chỉ là một cơn ác mộng...

Chiều hôm ấy đầy nắng và gió, Thiên Di một mình sải bước trên con đường dài phủ đầy đá đỏ dẫn vào con hẻm nhỏ và dừng chân trước một căn nhà ngói có vẻ củ kĩ mà dường như đã lâu không có người săn sóc. Cô bước vội vào hiên nhà và cất tiếng gọi làm khuấy động cả không gian tĩnh mịch: 'Ngoại ơi'. Không ai trả lời.

Cô gọi lại lần nữa, thêm lần nữa. Nhưng đáp lại cô là sự lặng im đến rợn người, chỉ còn vài tiếng xào xạt của hàng dừa phía bên hông nhà. Những giọt nước mắt đã thấm đầy trên gương mặt cô gái ấy tự lúc nào. Thiên Di đã biết cho dù cô có gọi bao nhiêu lần đi nữa thì ngoại cô sẽ mãi chẳng trả lời.

Đã hơn ba năm rồi cô không trở về thăm nơi này, nơi đã gắn bó với cả tuổi thơ cô. Cô còn nhớ cái ngày còn bé ấy mẹ hay gửi cô cho bà ngoại chăm vì lo mưu sinh vất vả. Tuổi thơ cô quen lắm với cái mùi vị chua chua cay cay của hủ mắm cá linh do chính tay ngoại làm. Cô cũng quen lắm với dáng người cao gầy hay ngồi bên chiếc đèn dầu khâu lại mấy chiếc áo bạc sờn vai hay đôi dép lào củ kĩ lâu ngày sứt quai. Còn cả những buổi chiều ngồi trên hiên nhà cô tỉ mẫn nhổ từng sợi tóc bạc cho bà.

Lúc bà bệnh, đứa cháu nhỏ ngồi bóp tay cho bà, nhìn cái cổ áo trống trơn của cô rồi bà nói: 'Khi nào ngoại khỏi bệnh ngoại dắt con đi chợ mua một sợi dây chuyền thật đẹp nha, con gái cũng lớn rồi...'

Thế rồi, ít lâu sau ngoại cô mất. Cô ngỡ chỉ là một cơn ác mộng...

Từ ngày ngoại bỏ cô đi, cô cũng ít về thăm nơi này hẳn. Vì cô sợ, không phải là hồn ma, mà cô sợ cô lại khóc, sợ phải đối diện với sự thật. Là cô đã mất ngoại mãi mãi. Sự mất mác này với cô quá lớn...

Nhưng ngày hôm nay cô quay trở về đây sau thời gian dài học tập trên thành phố và quyết định sẽ dọn về đây ở hẳn để chăm lo nhan khói cho ngoại cô, để cô được ở gần người bà yêu quý, và để những ngày tháng tuổi thơ sẽ ở mãi trong cô.

Cô ngó ra sau hè, dây trầu đã héo lụi... Đêm qua ngoại đã về trong giấc mơ của cô...

Tác giả: Vỏ Thị Tuyết Nhi
 
BÀN TAY MẸ

Sự khắc khổ, lo toan hằn sâu trên đôi mắt MẸ. Đôi bàn tay trở nên chai sần vì lam lũ.

Ngày ấy, để có tiền cho sinh hoạt của gia đình và tiền học hành cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, MẸ đã phải làm đủ thứ việc, ngay cả là những việc nặng nhọc của đấng mày râu. Thậm chí, MẸ còn nhận phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để nhận lại tiền công 6 -7000 đồng một bình cho chi phí những tiền thuốc men và cả bữa ăn đạm bạc hằng ngày.

Sự khắc khổ, lo toan hằn sâu trên đôi mắt MẸ. Đôi bàn tay trở nên chai sần vì lam lũ. Mỗi khi xoa bóp cho đôi bàn tay ấy đỡ mỏi mệt, con lại trào lên nỗi xót thương. Thương MẸ lam lũ vất vả, thương gia đình mình nghèo khó.

Rồi cả ba đứa con đã không phụ công MẸ, đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn. Ra trường, tự lo được công việc cho mình, trả xong các khoản nợ nần. Chị em con trở thành niềm tự hào của của MẸ và gia đình. MẸ không còn phải làm việc để kiếm tiền nữa.

Ngày ấy, để có tiền cho sinh hoạt của gia đình và tiền học hành cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, MẸ đã phải làm đủ thứ việc, ngay cả là những việc nặng nhọc của đấng mày râu. Thậm chí, MẸ còn nhận phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để nhận lại tiền công 6 -7000 đồng một bình cho chi phí những tiền thuốc men và cả bữa ăn đạm bạc hằng ngày.

Sự khắc khổ, lo toan hằn sâu trên đôi mắt MẸ. Đôi bàn tay trở nên chai sần vì lam lũ. Mỗi khi xoa bóp cho đôi bàn tay ấy đỡ mỏi mệt, con lại trào lên nỗi xót thương. Thương MẸ lam lũ vất vả, thương gia đình mình nghèo khó.

Rồi cả ba đứa con đã không phụ công MẸ, đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn. Ra trường, tự lo được công việc cho mình, trả xong các khoản nợ nần. Chị em con trở thành niềm tự hào của của MẸ và gia đình. MẸ không còn phải làm việc để kiếm tiền nữa.

Đi làm xa nhà, nên mỗi khi có dịp trở về, con vẫn có thói quen nắm lấy bàn tay MẸ. Con đã phải ngạc nhiên để thốt lên rằng: 'Ôi, tay MẸ bữa nay mềm mại như tay con gái nhỉ!'. Lẽ ra con phải vui vì điều đó mới phải. Nhưng con lại bùi ngùi với nỗi sợ có thể xảy đến bất kể lúc nào, sợ một ngày con bất chợt phải rời xa MẸ. Bởi với MẸ bây giờ, nhà chỉ là nơi để trọ, bệnh viện lại là nơi ở chính.

Con chỉ có một điều ước, mong thời gian xin đừng làm tổn thương đến MẸ, để chị em con báo đáp công ơn và để MẸ có được niềm hạnh phúc tuổi già khi nhìn thấy chị em con từng bước trưởng thành. Con yêu MẸ, MẸ ơi!

Tác giả: Nguyễn Thị Phương
 
ANH VÀ NÓ

Người đàn ông vóc dáng cao to nhưng lại đeo một cái tạp dề có hình hoạt hình, nhìn vừa buồn cười vừa đáng yêu.

Cô nhìn anh đang ôm con trong tay. Đứa nhỏ khuôn mặt trắng tròn như cái bánh bao nhỏ, mắt to đen nhánh, cái mũi nhỏ nhắn, đáng yêu. Ánh mắt anh ngập tràn yêu thương và cưng chiều. Đó là con của anh và cô, là kết quả của tình yêu đẹp giữa hai người.

Cô lại thấy anh vội vã pha sữa, thay tã cho con, sau đó chỉ kịp bế con đặt vào tay bà nội rồi vơ lấy cái bánh mì, vừa đi vừa ăn cho kịp giờ đi làm.

Sau cả một ngày dài làm việc, cuối cùng anh cũng trở về nhà. Nét mệt mỏi không hề che giấu trên khuôn mặt nhưng đôi mắt anh lấp lánh khi nhìn thấy con. Chẳng đợi thay thay quần áo, anh đã ôm lấy con, hôn hít khuôn mặt nhỏ nhắn vẫn còn thơm mùi sữa. Đứa nhỏ giật mình khóc ré lên, bà nội lại chạy vào rồi vừa mắng anh vừa ôm lấy đứa nhỏ dỗ dành. Cô khẽ bật cười.

Anh đang đứng trong bếp, tay chân lóng ngóng nhặt rau, thái thịt nấu ăn. Người đàn ông vóc dáng cao to nhưng lại đeo một cái tạp dề có hình hoạt hình, nhìn vừa buồn cười vừa đáng yêu. Cô khẽ vòng tay ôm anh từ đằng sau, cảm nhận sự vững chãi của bờ vai rộng lớn.

Bé con đang ngủ yên trong nôi. Đôi môi hồng hào chốc chốc lại chu chu ra như đang bú sữa, rồi lại khẽ nhỏe miệng cười, được một lúc lại mếu máo như sắp khóc. Bà mụ đang dạy con cái gì vậy cục cưng? Cô khẽ vuốt nhẹ đôi má bụ bẫm, hôn nhẹ lên đó. Cục cưng của mẹ, phải thật ngoan con nhé.

Cô lại thấy anh khóc. Đây là lần bao nhiêu anh khóc trước mặt cô? 5 năm yêu nhau, 2 năm lấy nhau, cô chỉ thấy anh khóc đúng một lần vào ngày cưới của hai người. Vậy mà chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi, không biết cô đã thấy anh khóc bao nhiêu lần. Tay anh vuốt ve khung ảnh. Trong ảnh, cô diện chiếc váy cưới tinh khôi, mỉm cười e ấp bên cạnh anh. Cô muốn ôm lấy anh, muốn an ủi anh thật nhiều…chỉ có điều, anh không hề cảm nhận điều ấy.

'Vợ tôi… cô ấy sao rồi bác sĩ.'

'Thật sự xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng hết sức:

'Không… không thể nào'

'Em vẫn luôn ở đây, cạnh anh và con. Em sẽ không bỏ rơi hai bố con đâu, vì em yêu hai người rất nhiều.'

'Anh chỉ muốn tin là em ở đây, cạnh anh và con. Em sẽ không bỏ rơi hai bố con đâu, vì anh biết em yêu bố con anh rất nhiều.'

Hình bóng cô dần mờ nhạt, nhưng nụ cười vẫn còn phảng phất đọng lại.

Tác giả: Ái Linh Trần
 
ĐỪNG TƯỞNG

Thế rồi, châu chấu ngả mình trên chiếc lá, vắt chân chữ ngũ, ngủ ngon lành. Nửa đêm, nó giật mình tỉnh giấc vì trời mưa và lạnh.

Mưa lũ. Đê vỡ. Cánh đồng lúa ngập chìm trong nước. Cào cào, châu chấu bay trong hoảng loạn. Gió, mưa, hơi lạnh… khiến chúng đuối sức, chết dần trên đường bay lánh nạn. Chỉ còn châu chấu đực và cào cào cái đang cố vượt qua cơn lũ lịch sử.

Phía trước mười mét, một chiếc lá khô đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. 'Sống rồi, nếu mình đậu được trên chiếc lá đó' - cả hai nghĩ thầm. 'Nhưng chỉ một mình mình thôi. Thêm kẻ thứ hai, chiếc lá sẽ chìm!' - cả hai đấu trí. Không chần chừ, châu chấu dồn hết lực, cắm đầu cắm cổ bay đậu trên chiếc lá và hãnh diện reo hò trong chiến thắng: 'Xin lỗi. Tớ mạnh hơn cậu. Chúc may mắn nhé!'.

Thế rồi, châu chấu ngả mình trên chiếc lá, vắt chân chữ ngũ, ngủ ngon lành. Nửa đêm, nó giật mình tỉnh giấc vì trời mưa và lạnh. Châu chấu hét toáng: 'Ở đây giống cánh đồng lúa mưa lũ hồi chiều?'. Sau một tia chớp lóe trời, chiếc lá chao đảo vì gió, lắc lư vì mưa và cứ từ từ ngụp dần xuống nước. Nhanh như cắt, châu chấu dùng hai càng to khỏe của mình đạp phành phạch vào chiếc lá, cất cánh dời khỏi mặt nước. Nó gồng mình bay trong mưa, trong gió. Vượt hơn nửa cánh đồng, sức cùng lực kiệt, châu chấu rơi bịch xuống nước mà chết.

Cách đó khoảng mười mét, cào cào đang ngủ say sưa trên ngọn dừa. Sáng hôm sau, trời hết mưa, nước lũ rút cạn. Cào cào vươn vai, nhẹ nhàng hạ cánh xuống bờ kè tìm những chiếc lá non sau mưa để thưởng thức.

Tác giả: Đỗ Văn Duyên
 
NỘI TÔI

Ấy vậy mà giờ khi tôi ngủ nướng không còn ai kêu tôi dậy nữa, Nội đã đi xa.

Nội tôi dậy sớm lắm, không biết vì Nội già rồi nên ít ngủ hay vì thói quen từ xưa không bỏ được nữa, có thể là cả 2 lí do cũng nên. Việc dậy sớm của Nội tôi không liên quan gì đến mọi người trong nhà cả, trừ tôi. vì tôi là một con sâu lười và sở thích là ngủ nướng nên ngày nào Nội cũng là đồng hồ báo thức của tôi. Điệp khúc gọi tôi dậy mỗi sáng nguyên văn là như thế này:

- Sương ơi! trời sáng rồi, dậy đi, dậy đi.

- Con biết rồi!

Trả lời Nội xong, tôi vẫn cố ngủ, tôi trở mình tiếp tục vùi đầu vào chăn. Xong một dòng từ nhà dưới lên nhà trên vẫn chưa thấy tôi có động tĩnh gì, Nội lại từ nhà trên xuống nhà dưới và kéo mùng kéo chăn tôi, gọi:

- Dậy đi, trời sáng trưng rồi kìa, mấy đứa con nít nó còn dậy đi chơi ngoài đường rồi mà giờ còn ngủ.
Tôi lại dạ dạ, vâng vâng rồi cố lăn thêm mấy vòng nữa nhưng không phải để dậy mà là đang cố kiếm vị trí thích hợp để ngủ vì Nội đã mở tung cửa sổ, nắng cứ thế mà rọi vào tôi. Nội tôi quét nhà xong vẫn không thấy tôi dậy, Nội lại ca bài ca không bao giờ quên, rằng sao tôi ngủ dữ. Tôi lăn từ đầu giường tới cuối giường cuối cùng cũng chịu dậy. Và ngày nào cũng như ngày nấy, tôi ngủ nướng và Nội gọi trời gọi đất tôi mới chịu dậy.

Ấy vậy mà giờ khi tôi ngủ nướng không còn ai kêu tôi dậy nữa, Nội đã đi xa. Hôm nay là đúng 3 năm kể từ ngày Nội mất. Nội hay la tôi lắm rằng sao tôi ngủ hoài, rằng sao tôi làm biếng thế, rằng sao tôi không chịu nghe lời... Nhưng Nội thương tôi lắm, ăn gì cũng để phần cho tôi dù ít cũng để, Nội sợ tôi đi học về đói nên bao giờ cũng mua đồ en cho tôi ăn thêm, Nội lo cho tôi từng xí.

Vậy mà ngày trước con cứ hay cãi Nội bởi Nội là người có tính lo xa, còn con thì nước đến chân mới nhảy. Thế là Nội sai biểu gì con cũng kêu ‘từ từ', ‘để đó' , không phải là con không làm mà xí nữa con mới làm, vậy là bị Nội la.

Ngày ấy con nghĩ Nội phiền phức thật nhưng giờ muốn cũng không được. Thật sự con thấy rất có lỗi. Xin lỗi Nội vì tất cả.

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Sương
 
THỜI THƠ ẤU BÊN CHÚ DẾ CON

'Dế mèn' chỉ chấm dứt 'chuyến phiêu lưu ' khi bị các bàn tay nhỏ bé của những chú nhóc đè lên nó.


- Ba ơi cu Bin nó làm gãy chân con dế của nó rồi !...

Đang lui cui sửa con 'xế nổ' tối qua đi làm về gặp bữa trời mưa lớn kết hợp với triều cường làm ngập bugi, đề máy và đạp đổ mồ hôi, tức ngực (vì thở), mỏi căng cái giò mà nó chẳng thèm nổ (bugi thấm nước làm sao nổ máy được ?), vừa nổi cáu vì hai thằng nhóc con chơi đá dế, cãi nhau inh ỏi cả nhà, tôi vừa nhớ lại câu đùa giỡn của lũ bạn khi bàn về chuyện xe cộ mỗi khi trời mưa làm ngập bugi, đạp hoài không nổ máy: 'Cứ rút kinh nghiệm nha các chiến hữu! Mỗi khi 'đạp máy' không nổ thì nhớ khám liền...'bugi'. Dĩ nhiên mấy tay bạn nhậu, đàn ông với nhau mới hiểu ẩn ý câu nói đùa mà... ý nghĩa ấy.

- À anh em tụi con đừng bứt cọng tóc quấn vô chân dế rồi quay vòng vòng, hay dùng cây tăm xỏ vô đầu dế với mục đích cho 'nó say máu' sẽ đá hăng lên nhé! Làm như vậy dế sẽ đau hoặc dễ gãy chân lắm...

Tôi tháo bugi xe máy, vừa lau chùi cho khô ráo nước bám vào đó vừa ngoáy đầu lại nói với hai ông nhóc con.

- Ba ơi! Tối qua con thấy anh Hai tè vô lon sữa bò đựng con 'dế lửa' chiến của ảnh nữa đó ba.
Cu Bin trả đũa khi bị anh nó méc ba. Toi bất giác mỉm cười. Nhớ lại hình ảnh tuổi thơ dữ dội của mình, hễ tan giờ học lại theo chúng bạn say mê săn lùng mấy chú dế lửa, dế than ở những cánh đồng, khu đất trống. Có khi trời tối lại chộp nhầm em dế mái nữa, bực mình lắm! Và buồn cười nhất là khi hai đôi bàn tay đen có, trắng có của lứa học trò bậc tiểu học cùng chộp vào một chú dế nhỏ bé, tội nghiệp.

Đến khi mở tay ra thì chú dế chỉ còn lại... cái xác không hồn, do bị dẫm đạp, giành giật nhau. Chút chạnh lòng, chút hối tiếc và niềm vui nho nhỏ khi bắt gặp hình ảnh của mình thời thơ ấu thật ngây thơ, hồn nhiên và dễ thương đến...ngây ngô khi nhìn hai đứa con bé bỏng chơi đá dế.
'Dế mèn' chỉ chấm dứt 'chuyến phiêu lưu ' khi bị các bàn tay nhỏ bé của những chú nhóc đè lên nó. Tệ hơn nữa chúng còn bị chủ nhân 'tàn nhẫn' cho ngửi mùi Amoniac cay xè, cái mùi quen thuộc ở các tiệm uốn tóc để thêm phần hưng phấn trước khi lâm trận. Đánh bại kẻ thù đâu không thấy, chỉ thấy chú dế ngả lăn ra chết tức tưởi do ông chủ nhỏ 'tưới nước' quá liều.

Tác giả: Hoàng Thảo

 
KIM

Thấm thoát từ một cô bé lên ba kể từ ngày tôi gặp Kim đến nay đã hơn 14 năm dài...

Đó là tên cô con gái của người nữ đồng nghiệp trong cơ quan tôi làm việc. Cô bé có khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương, thân hình tròn trịa. Đặc biệt giọng nói nũng nịu khiến người nghe cảm giác ngồ ngộ, thu hút mỗi khi bé trò chuyện.

Tôi độc thân, chưa vợ chưa con nên hễ gặp con nít là thích nựng nịu hoặc trò chuyện, trêu đùa cùng các bé. Và trong cơ quan tôi làm, mỗi khi Kim theo mẹ tới chơi, người gần gũi bé nhất không ai khác ngoài...tôi.

Tranh thủ những giây phút sếp không có mặt trong văn phòng, tôi nói chuyện với bé, tập cho bé vẽ tranh tô màu và đánh vần từng con chữ a,b,c... Thỉnh thoảng cuối tuần hay dịp lễ Tết, tôi săn lùng các cửa hàng bách hóa mua tặng bé những món đồ chơi dành cho trẻ con. Nhìn cử chỉ, thái độ thích thú của bé khi được người lớn tặng quà, lòng tôi cũng vui lây. Một cảm giác hạnh phúc dâng trào trong tôi mãnh liệt pha chút tiếc nuối 'giá mà tôi có đứa con gái như... Kim.

Thấm thoát từ một cô bé lên ba kể từ ngày tôi gặp Kim đến nay đã hơn 14 năm dài... Giờ cô bé đã nhổ giò, phổng phao thành cô nữ sinh lớp 12. Tôi đã nghỉ việc ở cơ quan cũ. Điều này đồng nghĩa với việc ít có cơ hội gặp mặt Kim. Thỉnh thoảng dự đám tiệc cưới hỏi, sinh nhật đồng nghiệp cũ, tôi có gặp mẹ cô bé. Kim giờ đã lớn nên ít muốn đi cùng mẹ, cô bé có thế giới riêng của mình.

Điều đọng lại trong tôi mỗi khi hồi tưởng lại khoảng thời gian gần gũi bên cô bé Kim, đó là sự quyến luyến có phần... nhõng nhẽo của Kim mỗi khi được tôi trò chuyện, quan tâm đến.

Và lạ lùng thay tôi nhớ có lần ghé viếng đám tang bà ngoại Kim, cô bé khi ấy đã lên 12 tuổi và dậy thì, trổ mã như bao cô gái khác, rất vui mừng khi gặp lại tôi. Câu đầu tiên cô bé nói với tôi là: 'Con biết nhà của chú hồi nhỏ ở dưới quê nè! Nhà vách ván, mái tôn, cạnh bờ sông, ngó qua bên kia là ngôi giáo đường...'. Tôi kinh ngạc tột cùng. Vì nhớ kỹ chưa bao giờ kể cho Kim nghe về quê cha đất tổ của mình.

Trước khi ra về, Kim còn dõng dạc tuyên bố: 'Con là... bà ngoại !'. Nghe tới đây thử hỏi ai không sững sờ!? Có vẻ như điều này thuộc về tâm linh, huyền bí theo thuyết luân hồi chăng? Dù sao thì cô bé Kim cũng đem lại cho tôi khá nhiều niềm vui và thú vị pha lẫn sự ngộ nghĩnh, khó hiểu qua những sự việc trên. Cuối cùng tôi chỉ cảm nhận một điều là: 'Mình thương quý con nít thì chúng sẽ... quý mến mình, thế thôi !'.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Thảo
 
THẾ GIỚI CỦA TÔI

Tôi bắt đầu cảm thấy nhớ, nhớ da diết những ngày có My.

Facebook đối với tôi là một thế giới tuyệt vời, rất tuyệt vời. Facebook cho tôi sự quan tâm, sự yêu thích, ngưỡng mộ của người khác đối với mình kể cả là người lạ. Thế nên tôi chẳng bao giờ buồn chán vì tôi dành phần lớn thời gian của bản thân để chăm chút cho facebook.

Tôi đã tạo ra cho mình thế giới nho nhỏ ấy một cách hoàn hảo nhất. Mọi chuyện những tưởng sẽ cứ như vậy mà tiếp diễn cho đến khi tôi gặp em - Hoàng My - một cô gái có chút gì đó ‘cũ', chút nhẹ nhàng, sâu sắc và đặc biệt rất thích đọc sách. Em khác hẳn với những cô gái hiện đại bây giờ mà tôi biết. Tôi và em lần đầu trò chuyện trên facebook khi em chủ động nhắn tin hỏi tôi về những tựa sách mà tôi đã chia sẻ.

Về sau vì muốn giữ hình tượng của mình, tôi cố gắng tìm hiểu kĩ về những quyển sách mà mình sắp đăng trên facebook để nếu em có hỏi tôi còn biết mà trả lời. Cũng từ đó chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau về sách, có khi còn chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống của mình. Cứ thế chúng tôi đã yêu nhau tự lúc nào.

Nhưng đời không như là mơ.

Hơn một năm yêu nhau thì My bất ngờ phát hiện tôi của thực tế không giống với con người tôi thể hiện trên facebook. My giận tôi rất nhiều, rất lâu. Tôi có nhắn tin giải thích nhưng không có can đảm để gặp mặt và nói lời xin lỗi với em. Tôi cũng không biết em có đọc nó không, em nghĩ như thế nào hay biết đâu khi em thấy tên tôi thì đã xoá luôn tin nhắn mà chẳng buồn đọc rồi cũng nên.

Rất nhiều ngày trôi qua, không có em, facebook bỗng trở nên thật vô nghĩa. Tôi bắt đầu cảm thấy nhớ, nhớ da diết những ngày có My, My giúp tôi nhận ra cuộc sống ngoài kia không lạnh lẽo, đáng sợ, cuộc sống vẫn còn những mảng màu sáng khác.

Bấy lâu nay tôi chỉ đang hèn nhát chạy trốn nỗi cô đơn khi sống một mình trong căn nhà lớn đầy đủ tiện nghi mà không có lấy một chút hơi ấm gia đình trong những tháng ngày ba mẹ tôi đi công tác ở nước ngoài. Bỗng tôi nhớ đến một đoạn trong quyển sách mình từng đọc: ‘Hi vọng một lúc nào đó, chúng ta cần lấy lại niềm tin, thì hãy bước vào thế giới ảo để tìm chút hi vọng. Và phải nhớ ở thế giới thật có những thứ còn lớn hơn niềm tin gấp nhiều lần.

'
Mở cửa, bước ra ngoài, và khám phá. Tôi khoá facebook, gọi cho em, và đi tìm em - thế giới của tôi.

Tác giả: Nắng
 
HẺM CHIM

Ngay đầu con hẻm vào nhà tôi là một cửa hàng bán chim cảnh có tiếng trong vùng...

... Người chủ của quán này tên Cảnh, khách hàng và những người hàng xóm đều gọi ông là Cảnh Chim, ngay cả cái bảng hiệu ông cũng đặt theo cái tên này.

Chẳng biết quán Cảnh chim có từ bao giờ, nhưng lúc lớn lên thì tôi đã nghe những tiếng chim líu lo từ sớm đến tối ở trong con hẻm này.

Những ngày đẹp trời, ông Cảnh cùng người con trai đem dụng cụ lên rừng ở các xã ngoại ô để bẫy chim.

Khắp nơi người ta đưa về đây để bán. Và quán nghiễm nhiên trở thành một ‘trạm' trung chuyển những cánh chim từ rừng sâu về thành phố rồi hòa tan vào từng nóc nhà. Khi những con chim được bắt ra từ chiếc lòng bịt kín của người thợ bẫy rồi thả vào chiếc lòng lớn của ông Cảnh thì chúng nhảy nhót một cách tuyệt vọng và đầy sợ hãi, chắc phải một thời gian dài nó mới lấy lại được tiếng hót như thời còn ở với rừng xanh, suối mát.

Người mua chim mườn mượt ra vào ngả giá, khen chê. Họ đến đây tìm những con chim vừa ý, bỏ một khoản tiền rồi đưa về tìm niềm vui trong tiếng hót, làm một cuộc hành trình tiếp theo sẽ đưa con chim từ quán này đến những căn nhà lạ hoắc, chật chội. Và như thế, số phận của nó sẽ gắn bó ở đó trong phần đời còn lại.

Ngày tháng trôi qua, đôi lúc tôi chẳng để ý nhiều về công việc buôn bán chim cảnh ở con hẻm đó nữa.

Rồi một ngày đầu mùa xuân, tôi đi làm về bỗng thấy đầu hẻm nhiều xe cộ và nhiều người hiếu kỳ đến tập trung kín lối vào. Những lòng chim được mở ra, lũ chim vụt bay đậu trên những sợi dây điện, trên mái nhà hót làm huyên náo cả vùng trời. Có những con chim được mở cửa lòng mà vẫn không bay ra. Không biết chúng bị xếp cánh lâu ngày hay nuối tiếc một nơi đã sống gắn bó mà lần lửa, nấn ná.

Vào nhà nghe mẹ tôi bảo ông Cảnh bị ung thư giai đoạn cuối, trước khi trút hơi thở cuối cùng đã trăn trối bà vợ thả hết chim ra. Con người cũng muốn tự do chứ huống hồ là loài chim, ông bảo như vậy trong nước mắt của người vợ.

Sau cái đám tang của ông chủ buôn chim, cả con hẻm buồn vì mất đi một người nhưng vẫn buồn hơn khi không còn tiếng chim hót, không còn khách khứa ra vào.

Những đứa trẻ gọi con hẻm này là con Hẻm Chim, dù rằng chúng lớn lên không còn quán chim ông Cảnh.

Tác giả: Nguyễn Phụng
 
KIẾP ĐỎ ĐEN

Lập tức chạy về, đến nhà thì đóng cửa, bật đúng một cái đèn nhỏ chỉ đủ nhìn thấy mọi người làm cho không khí càng trở lên buồn bã hơn.

Vừa trải qua kì thi đại học căng thẳng, tôi và đám bạn thân liền tổ chức một chuyến đi xa và thuê hẳn một resort để nghĩ dưỡng cho 'sang chảnh'.

Bỗng điện thoại reo lên. A mẹ yêu gọi

- Con à, nhà mình phá sản rồi!

Tôi ngờ ngợ, làm gì có chuyện đó xảy ra được. Gia đình tôi đang làm ăn rất tốt. Sắp tới tôi vào Đại học và muốn theo học tại RMIT- ngôi trường có mức học phí khủng nhất Việt Nam. Hay là bố mẹ không muốn tôi học trường dân lập nên nói thế để tôi chuyển trường công lập. Chắc là vậy rồi!

Tôi hỏi mẹ:

- Mẹ nói đùa con à?

- Mẹ đùa con làm gì, bố đánh lô thua hết rồi, mất cả nhà rồi!

Đến lúc này tôi hoàn toàn suy sụp, vì tôi cũng biết dạo gần đây bố tôi hay tham gia chơi lô đề. Tôi biết đây là sự thật rồi.

Lập tức chạy về, đến nhà thì đóng cửa, bật đúng một cái đèn nhỏ chỉ đủ nhìn thấy mọi người làm cho không khí càng trở lên buồn bã hơn. Mẹ tôi, ngồi trong phòng hai mắt đỏ hoe. Mất hết tất cả rồi, công sức làm ăn bao nhiêu năm giờ mất trong tích tắc.

- Bố mang xe đi cắm từ sớm để trả nợ rồi con ạ,

Gia đình tôi thuộc dạng có điều kiện, những lần đi mua đồ toàn cầm tiền quyển đi mua, có xe đưa xe đón tôi đi học. Vậy mà giờ đây mẹ phải chạy đi vay mượn khắp mọi nơi, đến xe máy cũng phải đem đi cắm vì nhà chẳng còn gì nữa.

Cảnh tượng khiến tôi sững sờ nhất là ngay đến cả con lợn đất để cất tiền lì xì cũng phải đập vì không còn nổi một nghìn nào trong người. Thoi thóp đếm đi đếm lại cũng chỉ được hơn 5 triệu gửi đi trả nợ còn số lẻ giữ để phòng thân.

Ngay đêm hôm đó, gia đình tôi phải chuyển đi gấp vì nhà đã mất rồi nếu ở lại người ta đến đòi nợ thì rất nguy hiểm.Tôi ngồi ở cabin của chiếc xe tải thuê để chuyển nhà. Cố ngoái lại nhìn căn nhà yêu quý của mình lần cuối mờ dần rồi biến mất.

Một người như tôi, đã từng dựa dẫn vào gia đình nhiều nhưng đến giờ phút này tôi biết mình phải cố gắng hơn rất nhiều. Trong đầu tôi tự hỏi 'làm thế nào để lo được khoản học phí cao ngút trời của trường quốc tế sắp tới đây?'. Tôi không thể học trường dân lập nào cả vì điểm thi đại học của tôi rấp thất. Một nỗi sợ hãi mang tên 'liệu rằng tôi có phải nghỉ học để đi làm không?'. Đối với tôi điều đó thật sự rất đáng sợ.

Tác giả: Nguyễn Vân Anh
 
TÌM ĐÂU

Mùa hè năm ấy, tôi vừa tròn mười sáu còn anh hơn tôi hai tuổi...

... Chúng tôi gặp nhau trong một chiến dịch tình nguyện ở vùng núi trung bộ. Ngày đầu gặp anh khi tôi là một cô giáo đứng lớp, anh được phân công dạy cùng tôi. Anh ít nói, nhưng cũng đầy lãng tử… Cứ thế tôi đã yêu, bởi không chỉ vẽ ngoài mà còn cả bên trong con người của anh.

Dù nắng hay mưa, ngày nào anh cũng chở đến lớp trên chiếc 67, vì sợ tôi trễ giờ lên lớp và sợ cái con đường trơn trượt làm tôi té. Chúng tôi đi cùng nhau, ăn cùng nhau, dạy cùng nhau, nhưng chẳng ai nói ai tiếng nào vì ở cái thời mà nắm tay nhau là run bần bật, nói chi là viết cho nhau một bức thư… chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt ấm áp và nụ cười trìu mến.

Trời hè miền trung nắng nắng mưa mưa. Ba tháng của tôi trôi qua nhanh như cái chớp mắt, ngày cuối cũng đến, cũng là ngày anh nói yêu tôi, nhưng cuộc đời, giá như đừng có chữ “nhưng” và kèm theo đó là lời từ biệt 'một tháng nữa là anh đi du học' mọi thứ vừa chớm nở trong tôi bỗng vụt tắt. Tôi lặng người, bỏ chạy trong cơn mưa chiều tầm tả nhưng vẫn còn nghe câu nói 'đợi anh nha', mưa cũng ghét tôi, càng ngày càng lớn. Rồi anh cũng đi không một lời từ biệt, mà đã là gì của nhau đâu, mà từ biệt.

Tiếc cho những ngày hè đẹp đẻ năm ấy, nó trôi qua như những trang nhật ký ngọt ngào còn vương vấn giữa bộn bề đời thường. Với tôi, giờ là kỷ niệm, nhưng sau cứ nghỉ về tôi lại bồi hồi, dây dứt, tự an ủi bản thân để biết mình còn dư giã niềm tin bước tiếp trên cuộc đời này… không biết liệu với niềm tin của một thời son trẻ, tôi sẽ sống với nó được bao lâu khi tôi và anh không có một chút tin tức gì về nhau, chờ thì vẫn cứ chờ, đợi thì vẫn cứ đợi. Giờ này nơi phương trời xa anh có còn nhớ tôi hay không?!

Cứ thế, bảy mùa hè trôi qua, năm nào tôi cũng đều quay lại ngôi trường ấy, một phần là tôi thương những đứa trẻ nơi đây, phần là vì tôi còn thương cái quá khứ bồng bột của mình. Đó là cách tôi chọn, để cất giữ tình cảm của riêng tôi. Anh có vậy không? Tôi hỏi cho tôi…

'Vì tình cờ gặp lại
có chắc nhận ra nhau'.

Tác giả: Cao Hoàng Đức Nhã
 
SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

Chồng cô bạn là thương binh bật 3/4, nhà nghèo cộng với thương tật, vì thế nên cha mẹ cô ấy không chịu gả, nhưng hai người đã lỡ yêu nên…liều.

35 năm về trước, một lần nhà trường phổ biến phong trào viết thư gửi cho người nơi tiền tuyến, cô bạn thân ngồi kế bên không chịu viết, do tôi xúi mãi nên cô ấy mới chịu làm theo. Lúc đó đều ai cũng vậy, ban đầu thì nội dung nêu trong thư cũng chỉ giới thiệu về bản thân và nét đẹp của quê hương mình, bên cạnh đó là hỏi thăm sức khỏe người lính, cầu chúc họ bình an, ngoài ra không có gì khác hơn nữa. Và rồi hàng trăm lá thư gửi đi, kết quả chỉ có vài người được hồi âm.

Chuyện viết thư là năm cuối cấp, không bao lâu thì bạn bè mỗi người rẽ mỗi hướng.

Cho đến 10 năm sau, tình cờ tôi gặp lại người bạn học năm ấy, cô bạn dẫn tôi về nhà. Ngôi nhà lá nhỏ nằm giữa rừng bạch đàn, con đường đi vào nhiều khúc quanh co, trên mặt đường là lớp đất sét, chỉ cần ông trời lắc rắc vài hạt mưa thôi thì tha hồ mà chụp ếch (ý nói đường trơn), người lạ đến một lần là không muốn quay trở lại.

Vào bên trong nhà, chỉ thấy 5 đứa trẻ con nheo nhóc, hỏi thăm một vòng mới biết, thì ra hai người họ 'yêu xa' từ cái thời viết thư năm ấy.

Chồng cô bạn là thương binh bật 3/4, nhà nghèo cộng với thương tật, vì thế nên cha mẹ cô ấy không chịu gả, nhưng hai người đã lỡ yêu nên…liều. Cô bạn kể, từ ngày lấy nhau một tay chồng lo kinh tế, còn cô thì bận…đẻ.

Thời gian trôi….

Mới đây cô ấy nhận ra tôi trên facebook, qua vài câu hỏi thăm thì cô cho biết cô sẽ đến nhà thăm tôi.

Chiếc xe du lịch 16 chỗ đời mới dừng ngay cổng nhà, 16 người trên xe bước xuống, tôi không nhận ra cô bạn, bởi tôi không ngờ tuổi gần 50 mà cô còn trẻ như thế. Nàng đẹp và kiêu sa quá, hơn tôi rất nhiều. Nàng bảo những người trên xe là người thân của nàng, nàng đã có dâu, rể, cháu nội, ngoại. Do chí thú làm ăn nên con cái được học hành, mua đất, xây nhà, làm xưởng may mặc.

Thì ra gia đình họ khá giả, cô bạn đang hoạt động từ thiện. Phải công nhận sức mạnh của tình yêu và sự chung thủy cộng với nghị lực mà họ vươn lên một cách ngoạn mục. Xin chúc mừng cô bạn!

Tác giả: Cẩm Vân
 
CÁI VÒNG LẨN QUẨN CỦA YÊU THƯƠNG

Mẹ tôi ốm gần mười năm. Ngần ấy năm, cả nhà lo lắng cho sức khỏe của mẹ tôi, chỉ sợ ngộ nhỡ mẹ tôi có lúc nào đó nghĩ không thông mà đi gặp tổ tiên...

... Dù ốm đau, bệnh tật, nhưng mẹ tôi luôn dùng chút sức lực cuối cùng của mình để lo nghĩ cho hai chị em tôi.

Bố tôi đi làm xa nhà, mặc dù gửi tiền về đều đặn hàng tháng nhưng quán xuyến gia đình vẫn là do một tay mẹ tôi đảm đương. Những năm tháng đó quả thực vất vả. Hai chị em tôi lại bị suy dinh dưỡng, não yếu ớt, luôn cần mẹ tôi chăm sóc đặc biệt.


Mẹ tôi trụ được đến năm tôi vào lớp 3 thì đổ bệnh. Tiền tích góp trong nhà đều đổ hết vào thuốc thang. Mẹ tôi sợ trở thành gánh nặng, nhiều khi nghĩ quẩn, thành ra tôi luôn phải nhắc mẹ rằng: ‘Nếu mẹ chết đi thì con và em phải sống như thế nào?'. Tôi bám vào chút lý lẽ đó để mong mẹ tôi có động lực sống tiếp.

Rồi thời gian trôi qua, ông trời cũng thương nên phù hộ. Bố tôi thuyên chuyển công tác về gần nhà sau một vụ tai nạn. Mẹ tôi có người ở bên sớm tối, bệnh tình cũng thuyên giảm đáng kể. Tôi đi học xa nhà cũng đỡ lo phần nào.

Suốt quãng thời gian học Đại học, tôi chưa bao giờ phải hỏi xin bố mẹ tiền sinh hoạt phí. Bởi dù khó khăn đến đâu, tháng nào bố mẹ tôi cũng xoay sở để gửi cho tôi một khoản kha khá.

Từ khi tôi đi học xa nhà, trong nhà chẳng bao giờ có thêm đồ mới. Bố tôi bị bệnh cũng không chịu đến bệnh viện chữa trị. Bố mẹ lúc nào cũng nhắc tôi não yếu, nên cần phải tẩm bổ nhiều, đi làm thêm ít thôi, không được để mình vất vả quá.


Thế rồi một ngày, bố tôi phát hiện có khối u ác tính trong người. Cũng may mà phát hiện sớm, ca phẫu thuật tiến hành thuận lợi. Đợt đó, tôi lo đến nỗi bỏ cả thi để về nhà. Sau đó, tôi bị bố mắng một trận lên bờ xuống ruộng.


Cuối cùng, cả gia đình tôi đi đến kết luận: Chăm lo cho người khác khó hơn tự chăm lo cho bản thân rất nhiều. Tôi đi học xa nhà, bố mẹ có muốn lo cũng lo không xuể. Sự nghiệp của tôi cũng chưa thành, muốn chăm sóc bố mẹ cũng chưa đủ khả năng. Nếu như cả hai bên đều biết tự chăm sóc sức khỏe cho chính mình, khiến đối phương bớt đi một phần lo lắng thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn bội phần.


Tác giả: Phạm Thị Bích Ngọc
 
NGƯỜI LỚN

Mẹ cháu bảo, không biết chữ không thành người lớn được đâu. Cứ thế này, bao giờ chó nhà cháu mới lớn được đây!

Đang ngồi xem phim, cháu tôi quay sang khoe:

- Dì ơi! Chó nhà cháu dễ thương lắm! Nhưng nó vẫn chưa biết chữ dì ạ! Chó nhà dì to như thế chắc biết chữ rồi nhỉ?

Tôi há hốc mồm, vội hỏi lại.-

Chó nhà Bi biết gì cơ?

- Chữ ý dì! Nó dễ thương nhưng vẫn còn nhỏ nên còn ham chơi lắm! Cháu dạy rồi mà nó toàn chạy đi, chẳng chịu học gì cả. Mẹ cháu bảo, không biết chữ không thành người lớn được đâu. Cứ thế này, bao giờ chó nhà cháu mới lớn được đây!

Chúng tôi cùng nhau thở dài.

Tác giả: Lâm Thị Vui
 
Sửa lần cuối:
CỘNG LẠI RỒI CHIA ĐÔI

Mới sáng sớm, khi cả ba chúng tôi còn đang trong giấc nồng thì tiếng đập cửa rầm rầm, ngay sau đó là một giọng nói the thé cất lên, anh bạn tôi ngồi bật dậy như bị điện giật: chết chết, vợ tao đó, mở cửa nhanh đi.


Chúng tôi là bộ ba chơi thân với nhau từ khi còn trên giảng đường đại học. Hai anh bạn tôi thì đã lấy vợ còn tôi vẫn còn độc thân.

Hai chị vợ của hai anh tính nết hoàn toàn trái ngược nhau. Một chị thì nói ra rả suốt ngày, the thé như xé vải. Còn chị kia thì hiếm khi nào nói mà chỉ nhìn thôi, một đôi mắt biết nói thay cho cái miệng. Mỗi lần chị không vừa ý điều gì chỉ cần nhìn chồng thôi là anh bạn tôi cảm thấy như máu trong người ngừng chảy, khắp người bức bối, ngột ngạt, khó thở, vậy mà ngày xưa anh đã cưới chị cũng vì đôi mắt quyến rũ như biết nói ấy.

Tối hôm ấy, hai anh bạn cãi nhau với vợ nên buồn lòng đều tập trung tại nhà tôi rủ nhậu. Khi hơi men đã ngà ngà thì một anh phát biểu: thà như vợ của ông, cứ nói thỏai mái, nói xong thì thôi chứ như vợ tôi thì nhức đầu lắm, anh kia trả lời lại: Tôi thì thấy như vợ ông thì dễ chịu hơn, đỡ phải điếc cái lỗ tai.

Thấy vậy, tôi bèn nói: vậy hai anh đổi vợ cho nhau đi, lúc đó cả hai anh đều ngà ngà say nên cười thích thú, khen: chí lý, chí lý. Tối hôm đó một phần vì say và một phần vì giận vợ nên hai anh đều ngủ lại tại nhà tôi.

Mới sáng sớm, khi cả ba chúng tôi còn đang trong giấc nồng thì tiếng đập cửa rầm rầm, ngay sau đó là một giọng nói the thé cất lên, anh bạn tôi ngồi bật dậy như bị điện giật: chết chết, vợ tao đó, mở cửa nhanh đi. Tiếng chị vợ choe chóe chửi rủa chồng từ ngoài ngõ cho đến khi tôi mở cửa vào tận trong nhà. Tiếng chị nói như bắn súng liên thanh xối xả vào ba chúng tôi.

Theo sau chị là vợ của anh bạn kia, chị này không nói không rằng nhưng đôi mắt vằn lên tia lửa dữ tợn nhìn chúng tôi lần lượt từng người một. Cái nhìn ấy như thiêu cháy lòng tự trọng, tính tự ái đàn ông. Một ánh mắt thể hiện sự khinh bỉ, coi thường làm trái tim ba chúng tôi rỉ máu.

Cơn lốc xoáy ào đến rồi lại ra đi nhanh chóng, bỏ lại ba chúng tôi đứng như trời trồng giữa nhà. Khi hai chị vợ đi rồi, tôi bèn nói đùa với hai ông bạn: thế bây giờ có còn muốn đổi vợ cho nhau không? Hai anh giật thót mình đồng thanh đáp: thôi thôi, cho em xin, hai bà cộng lại chia đôi thì duyệt…

Tác giả: Thu Hiền
 
ĐẠI HỘI MÍT CHÍN - NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU

‘Tuổi 24,thanh xuân tươi đẹp ơi, sao ta vẫn mãi chưa có mảnh tình vắt vai ?’

Những câu thơ ấy cứ luôn quanh quẩn trong tâm trí tôi. Tôi không phải là một cô gái xấu chỉ tội hơi nam tính quá nhưng đó cũng chính là điều mà các anh nam hay e ngại. Đó cũng chính là lí do từ chối điển hình cho mọi lời hẹn hò với tôi: ‘Sorry, em đàn ông quá, anh không thể yêu em được'. Đã có những lúc tôi không mang hi vọng gì về tình yêu. Vậy mà không ngờ có một người con trai đã yêu tôi…

Vào một buổi sáng cuối tháng 7 , tôi cùng lũ bạn nhận được tin ăn trưa cùng tiền bối cũ ở trường đại học. Ngay từ đầu, tôi đã không để ý đến anh cho lắm vì lúc đó anh trầm tĩnh quá. Và có lẽ tôi sẽ không biết anh nếu không có người này… Đúng lúc mọi người hai bên đang ngồi yên vị, đang tìm chủ đề gì để nói thì ông bảo vệ bỗng xông vào nói:

- Hôm nay nhân ngày tụ họp tiền - hậu bối đầy đủ , ta có chục cân mít cho mấy đứa này!

Nói xong rồi, ông chạy đi mất và để lại một bao tải mít nặng gần 30 cân. Một cuộc tranh tài nổ ra. Mọi người thi nhau xem ai ăn được nhiều mít hơn. Anh, một người thầm lặng như vậy, ấy mà khi ăn lại toát lên một vẻ soái ca lạ lùng làm sao xuyến con tim thiếu nữ của tôi. Cách anh bổ từng quả mít và đưa đôi bàn tay lên ăn từng múi mít làm tôi thấy rung động làm sao! Kết thúc chung cuộc, anh là người chiến thắng. Lúc đó, cứ ngỡ rằng tôi sẽ gặp không lại anh nữa nhưng phép màu đã xảy ra. Khi tôi đi về , anh vội chạy theo tôi nói :

- Anh đã để ý đến em từ suốt hôm nay rồi

Tim tôi đập… thình… thịch…

- Nghe nói nhà em có rất nhiều mít mật phải không? Anh sang ăn được chứ?

Tuy nghe câu nói đó có hơi … song bộ mặt cún con của anh khiến tôi không thể từ chối được. Tối đó, chúng tôi đã cùng nhau ăn mít tới 2 giờ sáng và rồi để sáng hôm sau cả hai đều vào bệnh viện. Trong thời gian nhập viện chúng tôi như hiểu thêm về nhau hơn. Trước hôm xuất viện, anh chợt thì thầm vào tai tôi: ‘Làm bạn gái anh em nhé, anh yêu em'. Tôi bỗng ngẩn người ra suy nghĩ rồi gật đầu đồng ý. Một cuộc tình yêu đương đầy gian nan của sự lầy lội nhất quả đất đã bắt đầu…

Tác giả: Trần Thu Thảo
 
THƯỢNG ĐẾ NÓI

Tôi thì luôn thắc mắc anh của tôi là một người tuyệt vời, tại sao Thượng Đế lại năm lần bảy lượt muốn đưa anh đi.

Thượng Đế kéo cánh cửa, ngài bước về phía bàn tròn, rồi ngồi đối diện với tôi. Tôi thì không nhìn thấy, tuy nhiên, trong cái thế giới vô thực ấy, tôi lại cảm cảm thấy. Hóa ra, Thượng Đế không phải kẻ lười biếng thích phẩy tay cho cánh cửa đóng sập lại, hay liếc mắt để cái ghế tự kéo về phía mình.

Rồi ngài cất tiếng hỏi:

'Tại sao con lại đến đây?'

Giọng ngài ấm áp quá. Hóa ra Thượng Đế vốn không phải người biết tất cả, ít nhất thì người không biết tôi đến đây vì lí do gì. Tôi cũng run sợ, tuy nhiên lên đến đây rồi tôi nhất định phải hỏi:

'Thưa thượng đế, con đến đây là muốn hỏi liệu ngài đã đưa anh trai con đi đâu?'


Anh trai tôi đã lên thiên đàng với Thượng Đế trước đó rồi. Tôi thì luôn thắc mắc anh của tôi là một người tuyệt vời, tại sao Thượng Đế lại năm lần bảy lượt muốn đưa anh đi. Thế nên, tôi đã lên tới tận đây, để hỏi cho rõ ràng.

'Con nói xem, một đứa trẻ có một trái tim đẹp sẽ được ta đưa đến đâu
?'

Tôi lại càng thắc mắc. Tại sao Thương Đế công nhận anh trai tôi có một trái tim đẹp, nhưng người vẫn đưa anh đi. Tuy nhiên, Thượng Đế chưa kịp để tôi suy nghĩ trả lời đã đáp:

'Một người có trái tim đẹp đương nhiên sẽ được lên Thiên đàng. Cũng vì anh con có một trái tim đẹp, nên ta mới để cho em gái của anh con, là con được gặp ta dễ dàng như thế này. Mặc dù ta biết điều đó khiến gia đình con tột cùng đau khổ, tuy nhiên tại sao con không nghĩ khác đi, rằng anh con cứ tiếp tục sống với căn bệnh đó, sẽ càng thêm đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần? Ta là Thượng Đế, là căn nguyên của mọi điều tốt lành nếu trái tim con luôn hướng tới điều tốt lành. Người tốt thì đương nhiên phải được hưởng phúc. Con hãy về đi, và hãy sống như anh con đấy, hãy tự hào về người anh trai của mình.'


Tôi bừng tỉnh, và nhận ra, mọi nỗi đau đều có thể giải quyết theo hướng tích cực của nó, chỉ cần bạn có trái tim hướng thiện và đức tin vào những điều tốt sẽ đem lại tốt lành, bạn sẽ sống một cuộc đời thanh thản, có ích.

Tác giả: Nguyễn Thị Hương
 

Thống kê

Chủ đề
100,834
Bài viết
467,719
Thành viên
339,884
Thành viên mới nhất
phongzboy
Top